Với xu hướng di dân, du học, làm việc và định cư nước ngoài, cộng đồng người Việt đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, nhất là châu Âu và châu Mỹ. Cùng Cap France tìm hiểu về cộng đồng người Việt tại quốc gia này nhé!
NỘI DUNG CHÍNH
1. Lịch sử cộng đồng người Việt ở Pháp
Cộng đồng người Việt đã có lịch sử lâu đời tại nước Pháp. Người Việt đầu tiên đặt chân lên nước Pháp có lẽ là Nguyễn Phúc Cảnh, con trai của Nguyễn Ánh. Năm 1785, Nguyễn Ánh cần cầu cứu quân viện trợ từ Hoàng gia Pháp. Do đó, Nguyễn Phúc Cảnh, lúc ấy mới chỉ 5 tuổi, đã cùng một vị mục sư diện kiến trước vua Louis XVI. Đến năm 1789, ông mới quay về Việt Nam.
Đầu thế kỷ XX, khi Pháp đô hộ bán đảo Đông Dương, rất nhiều người Việt sang Pháp để học tập hay nhập ngũ. Năm 1911, Bác Hồ đã khởi hành từ bến Nhà Rồng với hai bàn tay trắng đến thành phố Marseille để đi tìm con đường cứu nước. Những năm sau đó, Bác bôn ba khắp năm châu bốn bể. Đến năm 1919, Bác quay lại Pháp và cùng một số người Việt khác thành lập “Hội người An Nam yêu nước”. Sau đó, nhóm này đổi tên sang Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và cho đến giờ vẫn tổ chức lễ hội đón Tết hàng năm, cũng như những hoạt động quyên góp giúp đỡ đồng bào tại Việt Nam.
2. Cộng đồng người Việt Nam hiện nay ở Pháp
Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Pháp có khoảng 7.000 người vào năm 2019. Nghe thì có vẻ rất là đông đảo. Nhưng theo một thống kê của báo RFI vào năm 2013 thì đáng ngạc nhiên hơn nữa là cộng đồng người Việt ở Pháp đang có tận 300.000 người.
Đa số người Việt ở Pháp đều đạt được thành công nhất định và nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Tuy nhiên, có thể nói rào cản lớn nhất khi sống ở nước ngoài vẫn là về ngoại ngữ và văn hóa khác biệt. Nhưng một khi đã vượt qua được những trở ngại này, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
3. Các thành phố tập trung nhiều người Việt tại Pháp
Cũng giống với cộng đồng châu Á nói chung, người Việt sống và làm việc trên khắp nước Pháp, từ những thành phố nhỏ cho tới những thành phố đông đúc, hiện đại. Ví dụ như tại thành phố Lorient ở miền Tây Bắc, có tổng cộng 85.000 dân cư và tầm 30 hộ gia đình Việt Nam vào năm 2011. Nhưng Chợ Tàu ở quận 13 vẫn là nơi giao lưu quan trọng. Ngoài ra, về tôn giáo, những người Việt có một giáo xứ ở quận 17 và một vài ngôi chùa nằm ở ngoại ô, như Trúc Lâm Thiền Viện ở Villebon-sur-Yvette khánh thành năm 1990. Bên cạnh phần đông người Việt làm việc trong các công sở, một số không nhỏ khác mở các nhà hàng Việt Nam tập trung ở khu phố Tàu và rải rác khắp thành phố,...
Tới cuối thập niên 1990, sau thời kỳ Đổi mới, số lượng sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài dần tăng nhanh. Với các chính sách hỗ trợ cho giáo dục, Pháp là một điểm đến phổ biến và quan trọng. Paris trở thành một trong những thành phố thu hút sinh viên Việt Nam nhất. Vào năm 2003, số sinh viên Việt Nam đang học tại Pháp là 4.000 người, trong đó một số không nhỏ sống ở Paris. Rất nhiều sinh viên từng đạt giải trong các kì thi Olympic toán, lý quốc tế đã tới học tại Trường Bách khoa Paris. Với số lượng đông đảo, các sinh viên ở Paris đã tập hợp thành một vài tổ chức nhỏ. Ngày 26 tháng 3 năm 2004, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp - UEVF được chính thức thành lập tại trường Đại học Paris IV-Sorbonne.